Blog – Tiêu chuẩn để vứt đồ

Hãy làm cho cuộc sống của mình đơn giản hơn…

Mình luôn có suy nghĩ rằng, một trong những lý do khiến cho cuộc sống của một ai đó trở nên ngột ngạt là “không nhận ra được đâu (ai, cái gì, điều gì) mới là cái thực sự dành cho mình”. Băn khoăn và rối bời giữa một đống thứ mình đang sở hữu/có vẻ đang sở hữu/sắp sở hữu/muốn sở hữu, và dần dần mất đi phương hướng.

Trong những ngày tháng vừa rồi, mình đã dành khá nhiều thời gian để suy nghĩ về: “đâu là điều thực sự cần thiết cho bản thân?” và cũng nghiệm ra rằng: “chúng ta không thể tìm ra được câu trả lời, nếu không thực sự sắp xếp lại mọi thứ xung quanh mình”…

Mình đang hướng tới một “cuộc sống đơn giản” – không phải là nói kiểu tự mỉa mai là sống đơn giản cho đời thanh thản – mà thực sự là một cuộc sống đơn giản, hướng tới những giá trị về tâm hồn, trong cuộc sống đó mình thực sự được bao bọc bởi những điều, những thứ, những người thực sự làm mình cảm thấy cần thiết, yên tâm và yêu quý. Tất nhiên, việc loai bỏ hết tất cả những điều “không cần thiết”, “không làm mình vui vẻ” là điều bất khả thi, nhưng ít nhất, mình đang cố gắng hướng đến việc loại bỏ nó một cách tối đa…

「シンプルライフ」の画像検索結果
Source: chintai.net

Chia sẻ về “cuộc sống đơn giản”, thì mình thấy tất cả bắt đầu từ việc dọn dẹp.

Một căn nhà, căn phòng gọn gàng, thơm tho, với vừa đủ những thứ bản thân người  sống tại đó thích và cần, thì sẽ mang đến sự thư giãn, thoải mái và niềm hứng khởi tối đa cho chủ nhân căn phòng.

Khi tìm hiểu về cách dọn dẹp của người Nhật, mình thấy có rất nhiều điểm khác với cách dọn dẹp mà mình đã từng làm từ trước đến nay. Trong thời gian vừa rồi, mình cũng tìm đọc cuốn sách của Kondo Marie về cách dọn dẹp và những điều tuyệt vời mà dọn dẹp mang lại, mình cảm thấy rất thích! Suy nghĩ: “dọn dẹp phải được bắt đầu từ việc chọn lựa và vứt đi” của Konmari và những người đang theo đuổi phong cách sống Simple Life của Nhật rất tuyệt vời. Tuy vậy, không dễ dàng gì để mà một người “bình thường” sẵn sàng ném đi những món đồ mà họ đang có, tất cả là tại vì họ thực sự “sợ” rằng đến một lúc nào đó, những món đó sẽ lại trở nên cần thiết với mình.

—————————————–

Bài viết này là nhằm để chia sẻ một vài suy nghĩ của cá nhân mình về “tiêu chuẩn cho những món đồ không cần thiết” – bước đầu tiên trong cuộc cách mạng dọn dẹp!
Hãy quan sát căn phòng, ngôi nhà nơi mình đang ở, xem thử có những thứ như thế này không nhé!!!

1, Những thứ chưa từng dùng lần nào:

Những thứ mua vì thích, nhưng thực sự chưa từng đụng đến lần nào.
Những thứ được tặng, nhưng không biết phải làm gì với nó.
Những món hàng tặng kèm khuyến mãi, gấu bông bốc được từ máy gắp thú tự động, những chiếc váy không còn vừa người, những đôi giày cao gót chỉ hợp với 1 bộ quần áo đặc biệt nào đó.

“Cái này, có khi mình sẽ cần dùng trong tương lai”
“Cái váy này, khi nào mình giảm cân được thì mặc lên sẽ rất đẹp”

Đối với những câu thoại như vậy, hãy tin rằng cái “khi nào” đó sẽ mãi mãi không bao giờ đến. Đối với những món đồ đó, hãy cảm ơn sự hiện diện của chúng đã từng làm mình cảm thấy hạnh phúc và tươi sáng, cảm ơn tấm lòng của người tặng, và hãy chào tạm biệt một cách dứt khoát!

2, Những thứ không được đụng đến trên 1 năm

Thường thì những món đồ không được sử dụng trong 1 năm thì cũng sẽ có rất ít khả năng được sử dụng trong thời gian sắp tới. Hãy mạnh dạn để cho chúng bước ra khỏi cuộc đời của chúng ta!

Tất nhiên, có những món đồ dù trong một thời gian dài mình không sử dụng thì cũng rất khó có thể vứt bỏ. Trong trường hợp này, hãy chọn để lại những thứ “mình muốn, thích dùng trong tương lai” hơn là những món “mình có thể dùng trong tương lai”!

リビングは、窓際に小さな棚があるだけ。窓にカーテンをかけることもやめた|シンプルライフで快適な一人暮らし。愛犬と一緒に住む女性ミニマリストに聞いた「持たない暮らし」を続けるコツ
Source: chintai.net

3, Những thứ mà mình thậm chí còn không nhớ là mình đang sở hữu

Không ít lần mình đã phải thốt lên kiểu “ủa, mình có cái abc xyz ni hả?” khi đang trong quá trình dọn nhà. Thường thì trước đây, khi vẫn còn ở trong chủ nghĩa “tăng xin giảm mua” thì mình sẽ rất vui vẻ khi phát hiện ra sự tồn tại của món đồ đó, và… cứ để yên như vậy. Nhưng hiện tại, mình đã thay đổi suy nghĩ.

Một món đồ mà đến sự tồn tại của nó mình cũng quên đi mất thì có nghĩa là đã đến lúc mình cần phải chào tạm biệt món đồ đó rồi…

4, Những món đồ đã gần đến mức “thọ” của mình

Cho dù có sử dụng cẩn thận, tỉ mỉ như thế nào đi chăng nữa, thì tất cả mọi món đồ đều có tuổi thọ riêng của mình.

Trong trường hợp những món đồ đó có thể tái sử dụng với một mục đích khác, thì cũng nên đặt ra một khoảng thời hạn nhất định cho việc tái sử dụng đó. Nếu đã quá thời hạn rồi mà vẫn không thể tái sử dụng món đồ đó như dự định ban đầu, thì có lẽ duyên của mình và món đồ đó đã tận rồi.

Ví dụ, đối với những món quần áo cũ, có thể tận dụng vải để remake hay may một món đồ komono mới, thì thường mình sẽ đặt ra thời hạn để sử dụng món đồ đó là khoảng 2 tháng. Sau 2 tháng mà vẫn không thể sử dụng được món quần áo cũ đó để tạo ra bất kỳ một món đồ nào mới, thì mình sẽ quyết định nói lời tạm biệt.

5, Những món đồ không còn cần thiết

Những món đồ mà đã không còn cần thiết với mình nữa, hoặc đã không còn thích nữa thì nên suy nghĩ về việc tạm biệt nó.

apple-iphone-smartphone-desk
Source: etf-investment.com

Ví dụ, khi sống tại miền Nam thì boots hay áo khoác ấm sẽ không có nhiều cơ hội sử dụng. Vậy thì thay vì cứ giữ lại chúng bên người thì nên để chúng đến với những người cần nó hơn. Bạn có thể sẽ nghĩ rằng “nếu đợt nào đó sang Hàn du lịch ngắm lá vàng thì sao?”, nhưng thực tế, cái “đợt nào đó” nó còn ở  khá xa, và lúc đó thì có thể món đồ đó sẽ không còn hợp mốt hay vừa với khung người của bạn nữa. Vậy nên, giữ lại chưa chắc đã xài được, mà chỉ tốn chỗ để, làm bận lòng mình hơn mà thôi!!!

—————————————–

Nói gọn lại, có lẽ việc sở hữu quá nhiều sẽ chỉ làm cho con người dễ bận lòng hơn, và muốn sở hữu nhiều hơn nữa.
Hạn chế và khống chế được số lượng và chất lượng của những món đồ mình có, cho chúng nó một “chỗ ở” cố định, gọn gàng sạch sẽ, sẽ giúp những món đồ đó phát huy được tối đa tác dụng của chúng, đồng thời đem đến cho người sở hữu cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng…

Mình, đang hướng đến một cuộc sống như vậy.

Nhật Bản, 11:00 2019.02.23

(Vào đây để đọc những bài viết khác)

2 thoughts on “Blog – Tiêu chuẩn để vứt đồ

    1. Chào em, cảm ơn em đã comment…
      Chồng chị là một người không ghét phong cách tối giản vào thời kỳ đầu và cực thích lối sống này vào thời kỳ hiện tại 🤗
      Nhưng con đường để anh nhà chị trở thành minimalist thì chắc còn xa lắm…

      Like

Leave a comment