Nuôi con – Bà mẹ không hoàn hảo

Không biết cái title này sẽ mang đến phản ứng như thế nào từ các mẹ bỉm sữa nhỉ?
Không biết có mẹ bỉm sữa nào sẽ nghĩ rằng mình lười hay cố gắng né tránh trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái không?

————————————————————

Từ lúc mang thai, cho đến lúc sinh nở, rồi cả bây giờ, mình cũng hay lần mò đọc khá nhiều những bài viết về kinh nghiệm chăm sóc em bé từ rất nhiều các bà mẹ tuyệt vời, tại Việt Nam đến Nhật Bản. Phản ứng chung của mình sau khi đọc chúng là: “A, cái này hay quá, phải làm liền!”, rồi chia sẻ với cả nhà rất nhiều về “chúng ta sẽ… chúng ta hãy…” liên quan đến việc chăm con.

Ban đầu, việc không hiểu biết cộng với việc tự lần mò về việc chăm sóc con làm mình cảm thấy khá áp lực, cứ sợ làm sai, cứ sợ mình sẽ làm con thế này thế kia… Rồi trong thời gian đầu, cảm giác đó còn lan rộng hơn, đến mức không dám giao con cho chồng hay cho người khác trong nhà chăm, vì sợ họ cũng giống mình lúc chẳng biết gì, sẽ làm con khó chịu, làm con đau, làm con khóc…  Lúc bà ngoại còn ở cùng thì đỡ lắm, vì bà một tay chăm 2 chị em mình, tất nhiên là kinh nghiệm đầy người, mình chẳng phải lo lắng gì mấy, không hiểu gì là được chỉ, không biết gì là được bảo. Nhưng khi bà ngoại về, nó thực sự làm cho mình gần như đạt đến trạng thái stress nhất trong thời gian này!
Nhưng, sau một thời gian ngắn đánh nhau với những suy nghĩ này, mình nhận ra một điều rằng: “Không phải việc chăm con làm mình stress, mà là việc tìm kiếm sự hoàn hảo trong việc chăm sóc em bé mới là nguyên nhân chính làm mình stress!!!”.

29831325_10216059065891562_1117447240_o
Mình đã chọn: không cầu toàn trong nuôi con!

Sau khi nhận ra điều này, mình đã thực sự cảm thấy thoải mái hơn trong việc chăm sóc con, và ngưng đổ lỗi cho bản thân hay người khác khi con có những lúc “trái gió trở trời”.

  • Con ốm: là hiện tượng bình thường khi cơ thể con tiếp xúc lần đầu tiên với một loại virus mới.
  • Con quấy: là hiện tượng bình thường khi con bắt đầu học cách đối phó với những vấn đề xung quanh mình.
  • Con khóc: là hiện tượng bình thường khi con muốn giao tiếp với xung quanh.
  • Con ẩm ương: là hiện tượng bình thường, ai bảo con là con nít.
  • Con dở hơi: là hiện tượng bình thường, ai bảo con nhỏ, con có quyền.

Rồi mình cũng dần ngưng trách móc hay giận dữ những lúc gặp trục trặc khi chăm con:

  • Con ngã: ờ thì ngã một chút cho quen. Chỉ cần đảm bảo an toàn cho con, thì ngã cũng là một cách để giúp con “biết đau” và trưởng thành hơn.
  • Con bỏ ăn: bỏ 1,2 thậm chí 3,4 bữa cũng chẳng ảnh hưởng đến toàn cục. Đợi đến lúc đói thì cho con ăn. Ăn nhiều ăn ít thì cứ tùy theo khả năng ăn uống của con.
  • Con không ngủ đêm: chả phải tại ai, chỉ tại đêm ấy tự nhiên con không thích ngủ, thế thôi.
  • Con không ngoan, không ngồi yên, không thế này thế nọ thế lọ thế chai: thì ai bảo nó là con nít.

Mình cũng dần mặt dày hơn, khi thẳng thừng đặt vấn đề với các bạn cùng nhà:

  • Hôm nay cần phải may 2 cái túi, nên từ xx giờ đến yy giờ, Quýt sẽ chơi với Bố nhé.
  • Mẹ cần ngủ 2h, nên trong 2h này, nhờ Dzì ghẻ nhé.
  • Chú, nhờ Chú đi đón Quýt ngày hôm nay nhé. Mẹ đi làm về trễ, không đón em đúng giờ được.
  • Từ ngày xx đến ngày yy, mẹ phải đi công tác, hôm đó cả nhà mình sẽ cùng được chăm Quýt.

————————————————————

Đợt tháng 8, lúc Quýt vừa tròn 7 tháng, nhờ sự hỗ trợ của Bà ngoại, Bố, Dì và Chú, mẹ đã tham gia được chuyến du lịch công ty (2 năm/lần) đầy ý nghĩa. Trong chuyến đi đấy, mẹ cũng đã nhận được kha khá câu hỏi kiểu: “đi vậy ai trông con”, “không sợ con nhớ mẹ à”, “thương em bé quá”, “không thương con à” – có người hỏi ý nhị, có người hỏi thẳng thừng – tùy theo thái độ và nội dung của người hỏi mà câu trả lời cho từng trường hợp của mình cũng hơi khác nhau một tẹo, nhưng thực sự, mình nghĩ thế này:

Đặt một câu hỏi tương tự “không thương con à” với bất kỳ một người mẹ nào, thì mình nghĩ chắc chắn rằng tình thương của người mẹ không nằm ở việc:

  • bu bám con cả ngày
  • chăm con không nghỉ ngơi.
  • không dành chút thời gian và không gian nào cho bản thân.

Một người mẹ có thể quan tâm đến chính mình mới có thể nuôi con một cách khoa học. Lý do:

  • một người mẹ stress không thể mang lại sự thoải mái cho con.
  • một người mẹ lúc nào cũng mệt mỏi không thể mang lại sự vui vẻ, hứng khởi cho con.
  • một người mẹ lúc nào cũng cau có không thể mang lại tiếng cười cho con.
  • mà, trẻ con thì cần nhiều cảm xúc hơn tri thức!
  • Không phải là “con không thể rời mẹ được, mà chính là mẹ không thể rời con được”. Chúng ta, những bà mẹ, mới là những người “cần” con của mình.
    Bạn của mình, đã từng rời con nhỏ 10 ngày để đi du lịch công ty ở ngoại tỉnh. Những tưởng bé con sẽ khóc lóc, vật vã vì thiếu mẹ, nhưng thực tế là ngược lại: chính bạn mình mới là người nhớ và vật vã vì thiếu con, còn bé con thì vẫn rất vui vẻ, thoải mái, thậm chí vui mừng vì không có mẹ ở bên kèm cặp. Thế đấy!
B7680E0A-96C6-4794-ADFD-A52AB5FC45CC
Mình đã có một sự reset rất tuyệt vời, và thực sự biết ơn về điều đó!

————————————————————

Kết luận:

Mình, luôn suy nghĩ rằng:

  • Có thêm thành viên mới là một điều tuyệt vời với không riêng gì người mẹ mà là cả gia đình!
  • Yêu gia đình, yêu bố mẹ, yêu chồng con, yêu gì thì cứ yêu, nhưng phải yêu cả mình nữa.
  • Không phải mọi thất bại đều là lầm lỗi, có những thất bại là sự trải nghiệm.
  • Không vơ mọi thứ vào bản thân, kể cả trách nhiệm lẫn quyền lợi.
  • Trong các trường hợp thông thường, không cần tự trách và tự ôm hết lỗi về mình.
  • Mình sẽ là một bà mẹ vui vẻ và tươi sáng, chứ không cần là một bà mẹ “hoàn hảo”.

Hi vọng các bà mẹ nhà mình cũng sẽ có được nhiều kỷ niệm đẹp, với con, và với chính mình trong thời gian tuyệt vời ông mặt trời này.

C520C4B4-9DA9-4697-9B7C-13403521CB61
Mẹ và con gái!!!!

Đà Nẵng, 2018.12.28

(Vào đây để đọc những bài viết khác)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s